Cây trồng chính gồm có lúa chiêm tép là chính vụ cấy vào tháng 11 âm lịch. Ngoài ra còn có cây bông vải, cây họ đậu, cây khoai sắn và cây dứa.
Cuộc sống khó khăn nẩy nở những ước vọng no đủ ấm êm, cầu ở Trời ở Phật hình thành. Một nghi lễ rước cầu mùa ra đời trên thực tế cuộc sống ấy, gọi là “rước cây bông”.
Mời các bạn xem ảnh trước, ở phía dưới có thông tin về lễ hội này.
Sáng mùng 07 Tết Âm lịch, ngay từ sáng sớm mọi người đã tập trung đông đủ tại chùa
Hai cây bông mầu vàng
Rất đông người tới tụ tập mong cướp được bông với ý nghĩa cả năm may mắn, làm ăn được mùa
Có 2 thành phần trong đoàn rước:
- Biểu thị thời gian là kiệu “đương niên thần quan”, quan cai trị trong năm chia theo thập nhị chi từ “Tí” đến “Hợi”.
Lễ rước thuộc năm nào thì đề thần hiệu của năm ấy như “Canh Thìn niên” - năm Canh Thìn - hoặc “Tân Tị niên” - năm Tân Tị…
- Có 5 cây bông tiếp theo kiệu quan đương niên do 5 xóm trong làng đảm nhận phần kiến trúc.
Các xóm Trên, xóm Dưới, xóm Doi và xóm Sậu, mỗi xóm dựng một cây bông lúa, bông vải. Xóm Đồi Bằng chuyên dựng 1 cây đỗ.
Cách thức dựng một cây bông:
Dùng thân cây chuối hột (đẵn bỏ lá ngọn và thân củ) dài khoảng 3 - 4m, làm thân trụ cây bông.
Phần đế của cây chuối, cắm 3 cọc tre làm chân đế, để dựng đứng được cây bông, các chân đế bọc giấy mầu trang trí.
Phần ngọn thân chuối, cắm một đoạn tre non dóc thành bông trang trí bằng giấy mầu, gọi là “cây nõn mường”. Trên đỉnh cây nõn nường cắm 1 lá cờ thần, vuông hoặc đuôi nheo, xung quanh thân trụ cây chuối, cắm dày đặc các bông lúa, bông vải làm thành một cây bông sặc sỡ.
Cách thức tạo các ré bông:
Bông lúa được làm bằng các tua cạo từ thân cây tre non, nhuộm mầu vàng (mầu lúa chín). Mầu vàng lấy từ nhân lõi của quả dành dành một loại cây dại thường mọc ở các bờ ruộng, ao chuôm hoặc ven các đồi hoang, có nhiều ở làng Thượng Yên.
Bông vải cũng được làm thành từ các tua tạo từ cây tre non nhưng để nguyên màu “trắng như bông”.
Trong hội rước có 2 cây bông lúa, 2 cây bông vải.
Cách thức dựng một cây đỗ: Quả đỗ xanh (đậu xanh - hay đậu con) có màu đen làm bằng các thân que nhang đen (loại hương thắp cúng lễ xe bằng mạt cưa với nhựa cây chám rừng).
Quả đỗ đỏ (đậu quốc - hay đậu cả) làm bằng các đoạn ống trúc nhỏ như thân đũa dùng bữa ăn cơm.
Trong thân trụ của cây đỗ, còn tạo hình các loại chim sâu, một loài chim “thiên địch” của sâu bọ, cân bằng trạng thái môi sinh.
Nghi thức rước cây bông: Sau 3 ngày Tết Nguyên Đán, từ ngày mùng 4 tháng Giêng, các xóm bắt đầu vào dựng các cây bông, mọi công việc đến chiều ngày mùng 6 thì hoàn tất.
Sáng mùng 7, các cây bông, cây đỗ được chuyển tới một địa điểm do xóm đăng cai lựa chọn để tiến hành rước. (Không có tế).
Dẫn đầu đoàn rước là các nhà sư với cành phan trên tay biểu thị sự ban phúc lành của “Phật” rồi đến “đương niên thần quan” là tượng của “Trời”. Kiệu là một chiếc bàn có 4 chân cao tạo bằng tre nứa, gồm 2 thanh đòn dọc để cho 4 người khiêng có trang trí giấy mầu. Trên bành kiệu có bài vị “đương niên thần quan” bằng giấy màu, bên trên có che một chiếc tàn cũng bằng giấy. Trước bài vị đặt mâm ngũ quả và bát hương.
Tiếp đến là các cây bông - mỗi cây cũng 4 người khiêng - các chân kiệu đều là các nam thanh nữ tú trong làng, con nhà lành chưa vợ, chưa chồng. Các cây bông đi thẳng 1 hàng dọc, cây bông đỗ bao giờ cũng ở giữa vị trí.
Xưa kia đoàn rước lặng lẽ trang nghiêm theo vị sư tăng về chùa. Nay có thêm phường nhạc rước, nên không khí rộn rã tưng bừng hơn.
Duy nhất ở làng Thượng Yên có lễ thức nông nghiệp diễn ra ở sân chùa. Có lẽ là do sự bình đẳng giới tạo nên.
Sau đó dài khoảng 1500 mét từ điểm khởi rước, đoàn rước qua cổng chùa, vào sân chùa, đi lên một vòng từ đông sang tây (“thăng đông” - “giáng tây”) ngược chiều quay kim đồng hồ rồi tiến vào giữa sân trước cửa chùa.
Bàn “đương niên thần quan” tiến vào chùa, đặt trước các cây bông đặt trong sân, hướng vào phật điện.
Lễ cúng cây bông: Lễ thổi tâm linh thiêng liêng vào các cây bông, cây bông từ đây là sản phẩm của phật, của trời, là nguyên khí thiêng liêng của trời đất.
Lễ cúng thực hiện sau khi hoàn tất lễ rước.
Trong lễ, có một vãi già đọc bài “mừng cây bông" nội dung có đoạn:
“… Con thưa các cụ ngồi trên
Để con xuống dưới trông lên con chào
Dân con tiếng cả nhưng nghèo
Dựng lên quả phúc trông vào cây bông
Dân con có hội cây bông
Hội thì “hội lệ” nhưng không có gì
Nhang hoa trà quả trai nghi (lễ đồ chay)
Dâng lên cúng phật, phật thì chứng cho
Năm rằng hội chẳng mở to
Cỗ bàn suông nhạt, thức đồ nhạt suông…”
Cướp bông:
Số lượng người chen lấn xô đẩy lớn làm ban tổ chức (là các dân quân tự vệ của xã) phải rất vất vả trong công tác bảo vệ "Cây Bông" trước khi được lệnh cướp
Sau khi có lệnh cướp chỉ chưa đầy 5 giây, toàn bộ 2 cây bông đã "tan thành mây khói", tuy người cướp được, người không nhưng họ cũng vẫn cười rất tươi, coi như mình chưa may mắn
Cảnh mọi người ra về, kẻ cướp được bông thì vui mừng hớn hở, người buồn ra mặt,
Lễ cúng kết thúc vào buổi sáng. Buổi chiều, khoảng từ 14h trở đi, tiến hành “phá giải cây bông”.
Sau một hồi chuông chùa, mọi người trong làng xô vào cướp bông. Ai nấy đều cố tranh giành lấy được nhiều ré bông, mong được nhiều lộc đầu xuân. Những người cướp được bông mang về nhà, có người đặt lên ban thờ gia tiên cúng lễ, có người cắm lộc bông vào cửa mừng xuân. Còn đa phần ùa ra đồng, cắm lộc bông vào những thửa ruộng nhà mình, cầu cho mùa tới bội thu.
Thông tin được viết từ bản thân Chu Đức Anh, là công dân xã Đồng Thịnh, thuộc làng Vạn Thắng, cộng với thông tin tham khảo từ trang Văn hóa thông tin Du lịch tỉnh VP (http://www.vhttdlvinhphuc.vn)
Ảnh: Chu Đức Anh
0 Nhận xét
Chào bạn, chuducanh.com là 1 trang điện tử do Chu Đức Anh - một người đam mê công nghệ và có sở thích nhiếp ảnh thực hiện.
Trang phục vụ cho nhu cầu công việc của cá nhân Chu Đức Anh, là nơi đăng những bức hình do Chu Đức Anh chụp cùng với các hoạt động liên quan đến nghề của Đức Anh.
...................................................................
Xin mời bạn cho nhận xét về bài viết!
Nhận xét của bạn sẽ giúp Đức Anh hoàn thiện hơn để phục vụ bạn tốt hơn!
Chân thành cám ơn bạn!
Chúc bạn Mạnh Khỏe và Công Tác Tốt!
---------------------------------------------------------------------
ĐĂNG NHẬP GMAIL ĐỂ NHẬN XÉT NHANH NHẤT!